Kính gởi BBT/ Du Tử Lê
Trước 75, có thể nhạc sĩ Đăng Khánh sinh hoạt văn nghệ một cách âm thầm, nên tôi không nghe tên ông trên các phương tiện thông tin lúc ấy.
Nhạc của ông viết cẩn thận, nên khó phổ biến trong quần chúng, phải nghe đi nghe lại mới thẩm thấu được. Ngay lần đầu nghe ca sĩ Tuấn Ngọc hát lời một đàng, thơ một nẻo tôi cũng đã không nghe lại nữa.
Chỉ khi đọc bài viết của tác giả Thiên Phụng tôi mới để ý hơn và ra Tự Lực mua tập tuỳ bút “Xương, Thịt Đời Sau, Máu rất Buồn” của nhà thơ Du Tử Lê về để tham khảo.
Tôi đã chú ý nghe cẩn thận hơn, và tìm cách phân tích ra từng đoạn từng câu mạch lạc rõ ràng, đơn giản dễ hiểu với hy vọng quý độc gỉa sẽ nhận ra, yêu mến, và gần gũi với dòng nhạc của ông hơn.
Chân thành cảm ơn. (lữ long khanh)
Thử lần mở xem “Lệ Buồn Nhớ Mi” được lắp ghép như thế nào
I
Vì tò mò muốn biết ca khúc “Lệ Buồn Nhớ Mi” được nhạc sĩ Đăng Khánh lắp ghép như thể nào, nên sáng chủ nhật vừa rồi, chúng tôi có ghé Tự Lực mua tập tùy bút “Xương, Thịt Đời Sau, Máu Rất Buồn” của nhà thơ Du Tử Lê về đọc.
Trước hết, chúng ta thử đọc lại nguyên bản bài thơ “Mùa Thu và Thơ Mới ở Đường Baker, Costa Mesa, Cũ,” xem sao.
1.dấu trong ký ức âm u
cành sương tháng chín. Mưa mù tháng giêng
2. hồn cây phong úa truy tầm
dấu chân. Nghìn dặm. Lá mừng thôi nôi
3. vàng sau lưng. Vàng ghế ngồi
Mùa em. Thu tím. Rừng tôi phía nào?
4. giữa quạnh hiu. Tôi cúi chào
trăm năm đã thẹn. Vực sâu đã gần
5. biển cùng sóng sớm ly thân
cánh chim thương tích. Buồn khăn áo người
6. mùi hương cũ. Kỷ niệm vùi
ngón tay sinh tử. Mấy đời ổ qua
7. mùa thu góc phố Baker
hỏi sông, núi cũ sao chưa trở về?
Là loại thơ lục bát với nhịp tiết khác thường như: (2/2/2-4/4), (2/2/2-2/2/4), (3/3-2/2/4), (3/3-4/4), (2/2/2-2/6), nhưng nhờ vậy nó lại rất gần với tiết tấu cần có để thay đổi trong một ca khúc, nên nhạc sĩ Đăng Khánh đã chọn nó chăng?
Bốn câu thơ sau cũng của nhà thơ Du Tử Lê.
1.Ta đã đợi em từ hạt bụi
2. Mai về nhớ lấy dấu chân xưa
3. Bàn chân nhớ đất còn khô nẻ
4. Môi nhớ tàn phai lệ nhớ mi
II.
Bản nhạc “Lệ Buồn Nhớ Mi” có cấu trúc là A/B/B’/A
Dựa theo cung chủ Ebm, do ca sĩ Tuấn Ngọc trình bày, ta thử lần mò từng bước xem trình tự hình thành giai điệu (chưa bàn đến hòa âm) của ca khúc “LBNM” ra sao (chữ nghiêng là của nhà thơ DTL,chữ thẳng là của nhạc sĩ ĐK).
Trong 3 nốt của hợp âm Ebm (mib-solb-sib), ông đã chọn nốt (sib), cũng là nốt thấp nhất của bản nhạc, khởi đi với chữ (Cành) cho ta câu nhạc đầu tiên của Đoạn A:
1.Cành sương tháng chín/ ký ức âm u/ mưa mù tháng giêng. (chữ “mù” với nốt cảm âm” rê bình” xác định cho ta biết ông dùng âm giai thứ của tây phương).
Câu nhạc thứ hai khắc họa lại toàn bộ câu một, chỉ khác 2 nốt trên chữ “giêng” và “trời” nhưng hợp âm đều qui về bậc V/Bb7. (nét nhạc chỉ khai triển trong một quãng 8, từ nốt sib thấp lên tới Sib cao dòng 3 của khuông nhạc.)
2. Hồn cây phong úa/ đâu nắng hôm xưa/ mưa buồn cuối trời.
Câu nhạc thứ ba chuẩn bị cho cao trào, chỉ cho vươn tới nốt Mib khe số 4 của khuông nhạc. (khai triển với 5 nốt từ Lab tới Mib và nét nhạc đã chuyển qua bậc IV thứ/Abm.)
3. Dấu chân nghìn dặm/ vàng sau lưng/ vàng đôi môi.
Câu nhạc thứ tư đã chạm tới đỉnh của cao trào, cho phóng tới nốt Solb cao buốt óc, neo bên trên dòng 5 của khuông nhạc. (khai triển với 6 nốt từ Sib tới Solb cao và nét nhạc đã ổn định để trở về cung chủ Ebm.)
4. mùa em thu tím/ giữa quạnh hiu tôi cúi chào/ giữa quạnh hiu tôi cúi chào.
Đoạn B, câu nhạc đầu đã qua thức trưởng và chỉ chuyển thoáng qua bậc IV trưởng (Eb/Ab).
1.Trăm năm đã thẹn/ biển sóng vực sâu
Câu nhạc thứ hai đã trở về lại thức thứ ở bậc IV( Abm) và tạm dừng ở bậc V.
2. bầy chim thương tích/ buồn khăn áo người
Đoạn B’ câu nhạc thứ nhất chỉ qua thức trưởng cho vế đầu, vế sau đã vội vã về lại ngay thức thứ ở bậc IV (Abm).
1.Trăm năm vẫn đợi/ môi nhớ tàn phai
Câu nhạc thứ hai tiếp tục ổn định để trở về cung chủ Ebm.
2. bàn chân nhớ đất/ lệ buồn nhớ mi
Đoạn A cuối, lặp lại toàn bộ nét nhạc của Đoạn A đầu bài.
1.Rừng mưa tháng chín/ môi tóc em đâu/ nỗi buồn sớm mai
2.Mùi hương đã chết/ dấu tích năm xưa/ môi lạnh tiếng cười
3. nhớ em hạt bụi/ đời hư vô/ còn tương tư
4. hỏi sông núi cũ/ giữa mùa thu em nhớ gì?/ giữa mùa thu em nhớ gì?
Tuy kết thúc ổn định ở cung chủ nhưng lời ca lại ở thể hỏi “giữa mùa thu em nhớ gì?/ giữa mùa thu em nhớ gì?” nên ta có cảm giác như chơi vơi chới với…chỉ có tiếng gọi réo vang đẩy đi một cách vô vọng, không cùng, không cùng …
III.
Được xếp vào loại Ca Khúc Nghệ Thuật nên nó cũng đòi hỏi nghệ sĩ trình diễn phải có một trình độ vững chãi về chuyên môn nhất định nào đó như:
-B ài hát có âm vực khá rộng tới 13 nốt (từ sib thấp qua nốt Sib dòng 3, với lên tới tận nốt Solb trên dòng 5 của không nhạc).
Các chuyển đoạn ở quãng xa khó xướng như:
-Từ nốt Mib cao/ chữ “chào” kết thúc ở Đoạn A để khởi sự nốt Sol bình/chữ “Trăm” choĐoạn B (quãng 6 thứ).
-Cũng từ nốt Mib cao/ chữ “mi” kết thúc ở Đoạn B’ đi xuống nốt sib thấp nhất / chữ “R ừng” để khởi sự cho Đoạn A cuối (xa tới quãng kép 11).
Không phải ca từ ở mạch văn xuôi như thường thấy trong các Ca Khúc Nghệ Thuật khác như Giấc Mơ Hồi Hương/Vũ Thành. Hương Xưa/Cung Tiến. Giọt Lệ Cho Ngàn Sau/Từ Công Phụng. Từ Giọng Hát Em/Ngô Thụy Miên…mà là cấu trúc của thi ca nên cũng cần phải có nhiều thời gian để thuộc lời.
-Cho nên, dù đã nhìn vào bài hát trên kệ nhạc, nhưng hình như ca sĩ Tuấn Ngọc vẫn hát nhầm vài chỗ?
IV.
Bài viết của độc gỉa NThiên Phụng thiếu câu …“mùa em thu tím”… đề nghị ban kỹ thuật bổ sung thêm cho đầy đủ, cám ơn.
Như thiện ý của tác gỉa NThiên Phụng, chúng tôi cố gắng trình bày thêm một lần nữa thật rõ ràng, rành mạch từng đoạn, hầu giúp quý độc gỉa tiện theo dõi, và thưởng thức một cách đầy đủ trọn vẹn hơn.
Lệ Buồn Nhớ Mi
Đoạn A
1. Cành sương tháng chín/ ký ức âm u/ mưa mù tháng giêng
2. Hồn cây phong úa/ đâu nắng hôm xưa/ mưa buồn cuối trời
3. Dấu chân nghìn dặm/ vàng sau lưng/ vàng đôi môi
4. mùa em thu tím/ giữa quạnh hiu tôi cúi chào/ giữa quạnh hiu tôi cúi chào
Đoạn B
1.Trăm năm đã thẹn/ biển sóng vực sâu
2. bầy chim thương tích/ buồn khăn áo người
Đoạn B’
1.Trăm năm vẫn đợi/ môi nhớ tàn phai
2. bàn chân nhớ đất/ lệ buồn nhớ mi
Đoạn A
1.Rừng mưa tháng chín/ môi tóc em đâu/ nỗi buồn sớm mai
2.Mùi hương đã chết/ dấu tích năm xưa/ môi lạnh tiếng cười
3. nhớ em hạt bụi/ đời hư vô/ còn tương tư
4. hỏi sông núi cũ/ giữa mùa thu em nhớ gì?/ giữa mùa thu em nhớ gì?
* Lệ Buồn Nhớ Mi – Thơ: Du Tử Lê – Nhạc: Đăng Khánh – Tiếng hát: Trần Thu Hà