1.
Đọc lời bình của cô Kiều Thu khiến tôi lại phải tò mò nghe thêm bài “Hẹn Hò Với Chia, Ly.” của các em xem sao.
Tôi cũng đoán là các em sanh sau 1975, vì trước đó tôi cũng chưa hề nghe đến các tên tuổi này. Trẻ mà biết tự trọng, biết giữ gìn ngôn ngữ Việt của mình giữa hải ngoại xứ người đã là điều quý, thêm một điểm son nữa là các em lại còn vẫn muốn giữ gìn cả bản sắc dân tộc của mình trong âm nhạc nữa?
Cùng với cách nhìn như cô KT, thật đơn giản, khi nghe giai điệu của cả hai bài, tôi cũng có cảm giác là các em đang đọc tiếng Việt thật chuẩn với những cao độ của âm nhạc vậy thôi.
Có điều, chắc được học nhạc ở bên này nên các em mới biết dùng thêm một vài hợp âm của tây phương, pha trộn cho có màu sắc lạ lẫm hơn như:
-Bậc IV trưởng, bậc II giáng, sus 4, dim7, m7(b5)…
2.
Hai năm trước tôi có dự buổi ra mắt sách của nhạc sĩ Cung Tiến, trong đó có bản nhạc do ông phổ từ thơ của thi sĩ Trần Dạ Từ, mà chữ “Thủa” được thay lại là “Thuở “ (Thuở Làm Thơ Yêu Em).
Sau đó, khi mua giai phẩm Xuân của báo Người Việt tôi lại thấy có đăng bài thơ trên với tựa “Thủa Làm Thơ Yêu Em” (Huế-1958). Điều này cho thấy, có lẽ tác giả vẫn muốn giữ chữ “Thủa” mà người miền Bắc chúng tôi thường dùng trước khi di cư vào Nam vậy?
Xem bài “Ngọn Nến/Tôi/Cháy Hết Vẫn Ngậm Ngùi!“ tôi thấy các em bỏ cả 2 câu thơ trong đoạn bốn. Còn bài mới này “Hẹn Hò Với Chia, Ly.” không phải một, mà tôi thấy nhiều chổ như đảo cả 2 câu thơ lên xuống, xuôi ngược 2 từ lại, cho trùng với cấu trúc của bên nhạc, vậy chả biết có làm cho tác giả phải cau mày chăng?
3.
Đầu năm rồi về Sàigòn thăm nhà, tôi cũng có dự buổi hòa nhạc tại nhạc viện thành phố với chủ đề “Mối giao hòa giữa Thơ và Nhạc”. Trong giờ giải lao, có dịp gặp gỡ trao đổi với bạn bè, đồng nghiệp…
Xem ra, các nhạc sĩ cũng chẳng dễ dãi lắm đâu. Ai cũng biết 2 bài thơ rất nổi tiếng của thi sĩ Xuân Quỳnh, được nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu vất vả phổ nhạc với những luyến láy đôi, láy ba…cầu kỳ phức tạp.
Đa số, nhất là các ca sĩ trẻ sau này thể hiện một cách rời rạc hời hợt, bỏ bớt các nốt luyến láy tinh tế khiến ông không được hài lòng cho lắm. Riêng tôi thì thích nghe “Thuyền Và Biển”, ca sĩ Quang Lý ngọt ngào ấm áp với giọng Hà Nội thật chuẩn, “ Thơ Tình Cuối Mùa Thu” nữ ca sĩ Tân Nhàn với giọng Hà Tĩnh thật ray rứt, nghẹn ngào.
4.
Hải ngoại chúng ta có có âm nhạc của Đăng Khánh (Cung Tiến, Từ Công Phụng, Ngô Thụy Miên…) với dàn nhạc giao hưởng, thính phòng để đối thoại với người bản xứ.
Đồng thời cũng có âm nhạc của Trần Duy Đức (Trầm Tử Thiêng, Anh Bằng…) để nâng niu, gìn giữ bản sắc dân tộc giữa xứ người.
Và hy vọng lại có thêm các em trẻ khác cùng đồng hành với Khoa Nguyễn, Tịnh Hiếu vậy?
Chúc các em vẫn luôn giữ hướng đi của mình. (Hồ Quì)
(Nếu phải cô Kiều Thu, họ Lại, gốc ở Thái Nguyên về Hà Nội học tại CĐSP/Nhạc Họa thì chắc đã nhận ra tôi?).