Hội-hoạ Du Tử Lê

Theo một bản tin của đài phát thanh Saigon Houston, trụ sở chính tại thành phố Houston, Texas, thì vào lúc 7 giờ tối Chủ Nhật ngày 07 tháng 10 năm 2012 tới đây, Mozart Institute Of Music và các thân hữu của Thi Sĩ Du Tử Lê, mà người đứng đầu là nhạc sĩ Đăng Khánh, sẽ tổ chức một buổi sinh hoạt chủ đề “Đêm Đọc Thơ – Sống Nhạc – Xem Tranh Du – Tử- Lê” tại Cơ sở Suối Nhạc vùng Southampton-Houston-Texas.

Thi sĩ Du Tử Lê đã nhận lời mời của Mozart Institute Of Music nhằm giới thiệu đến những người yêu thơ ông những tác phẩm hội hoạ của Du Tử Lê.

Trả lời cuộc phỏng vấn của nguyên chủ tịch sáng lập Hội Văn Hóa Khoa Học Houston, Kỹ sư Nguyễn Ngọc Bảo, trong chương trình “Mạn đàm văn học” mỗi đầu tháng của đài Saigon Houston, nhạc sĩ Đăng Khánh cho biết, ông không ngạc nhiên khi biết nhà thơ Du Tử Lê trong vòng hơn một năm qua đã bước sâu vào thế giới đường nét và sắc mầu. Tác giả ca khúc nổi tiếng “Lệ Buồn Nhớ Mi” nói:

“Với cá nhân tôi thì văn chương, âm nhạc và hội họa vốn cùng một DNA. Nên nếu có ngạc nhiên chăng là tại sao tới giờ này, khi đã gần bảy mươi tuổi, người thi sĩ của chúng ta mới bước vào lãnh vực nghệ thuật vốn rất giàu hình ảnh và sắc mầu trong thơ ông ngay tự những bài thơ đầu tay…” Phát biểu của nhạc sĩ Đăng Khánh, tình cờ rất gần với ghi nhận của họa sĩ Duy Thanh, một trong ba họa sĩ trụ cột của Tạp chí Sáng Tạo ngày xưa.

Được biết đầu tháng 6 -1012 vừa qua, khi ghi nhận về tranh Du Tử Lê, họa sĩ Duy Thanh, hiện cư ngụ tại thành phố San Francisco, miền bắc California, viết:

“Du Tử Lê từ xưa vẫn là một tài thơ lỗi lạc. Bây giờ chàng mới ghép nguồn thơ trác tuyệt vào nghệ thuật tạo hình đầy mới mẻ. Ở tôi bỗng nảy ra một sự tiếc nuối: ví như Du Tử Lê đến với hội họa sớm hơn, chừng 20, 30 năm về trước thì kho tàng nghệ thuật Việt Nam đã có thêm một số tác phẩm đáng kể từ lâu rồi. Cám ơn Du Tử Lê, chàng đã để cho đời thêm một dấu ấn tuyệt vời.”

Cũng vậy, sau khi tình cờ xem tranh của Du Tử Lê, họa sĩ Đinh Cường, hiện cư ngụ tại Hoa Thịnh Đốn, trong một bài viết nhan đề “Đã đến lúc người thi sĩ ấy phải vẽ.” Trong đó, có một đoạn nguyên văn như sau:

“…Và bạn tôi, ông phải vẽ thôi ( tôi hay kêu ông bằng tiếng kêu thân mật ) khi xem bức tranh ‘Trên Ngọn Buồn Thánh Thót, Treo cao,’ ghi tháng 5-2012 trên website của Hạnh Tuyền ( người bạn đời hỗ trợ Du Tử Lê không ít về việc rẽ qua thế giới hội họa, tôi nghĩ vậy ) tôi như gặp lại mối đồng cảm của sự cô đơn cùng tận, và phải chăng như tiếng hát đớn đau của Billie Holiday nghe lại những ngày này, qua bản nhạc Strange Fruit, là bài thơ của Abel Meeropol viết năm 1939, với câu cuối : Đây là trái lạ lùng cay đắng – Here is a strange and bitter crop. Bằng sự đắng cay hay niềm hoan lạc của cả đời người, tranh Du Tử Lê là một tiếng nói khác, nhưng ta vẫn dễ nhìn ra, cõi thơ và cõi họa của ông là một . Một Đấng Tài Hoa.” (ĐC. Virginia, 4 June 2012.)

Phần mình, khi trả lời câu hỏi của kỹ sư Nguyễn Ngọc Bảo, đài Saigon Houston, ngày 4 tháng 8 vừa qua, về cơ duyên đến với hội họa, nhà thơ Du Tử Lê nói:

Nhà thơ Du Tử Lê (Hình: DanHuynh/NguoiViet)

“…Tôi đến với hội họa, cũng tình cờ như đến với tình yêu. Giống như tình yêu, hội họa dắt tay tôi đi trên những lối nẻo riêng của nó. Giống như tình yêu, sắc mầu và đường nét cho tôi đôi cánh để bay lượn trên đỉnh cao hoặc, la đà dưới thấp… Nếu tôi có một tham vọng nào thì, đó chính là nỗ lực chuyển thể thơ của tôi qua một thứ ngôn ngữ khác. Ngôn ngữ trực cảm. Ở nhu cầu này, tôi nghĩ, chỉ hội họa mới đáp ứng được.”

Tưởng cũng nên nói thêm rằng trong buổi sinh hoạt chủ đề “Đêm đọc thơ, sống nhạc, xem tranh Du Tử Lê” tại Houston, Chủ Nhật ngày 7 tháng 10 năm 2012” tới đây, sẽ có ba diễn giả nói về hội họa và thi ca của họ Lê là các ông: Lê Văn / Cựu chủ biên đài VOA. Kỹ sư Nguyễn Ngọc Bảo / NASA / Chủ tịch sáng lập Hội Văn Hóa Khoa Học. Và, Nhạc sĩ Đăng Khánh / VOVN Radio.

Cần thêm chi tiết xin liên lạc : Mozart Institute Of Music / 8138 S. Kirkwood, Suite A, Houston, Texas 77072. Hoặc Email: dangkhanh1000@yahoo.com

(Nguyên Nguyễn)