Trước đây, thỉnh thoảng khi có dịp, chúng tôi vẫn trao đổi với nhau về thơ phổ nhạc, và những dịp gần nhất là hai đêm thơ phổ nhạc diễn ra tại HQ ÂN Lạc Cầm của nhạc sĩ Lê Sỹ Dự: Phổ Khúc Phạm Đình Chương và Thơ Tình Phổ Nhạc của nhạc sĩ Lại Tôn Dũng.
Một bên thì muốn hiểu theo một cách dung hòa: “thơ phổ nhạc” hay “nhạc phổ thơ” cũng chỉ là hai cách nói, còn ý nghĩa thì giống nhau, đại khái đó là bài thơ được các nhạc sĩ phổ nhạc, hay được các nhạc sĩ đưa phần nhạc vào bài thơ đó, thế thôi?
Còn một phía thì muốn rõ ràng hơn, tuy họ cũng biết là hơi khó để sắp xếp chúng vào loại nào, thì may quá trên trang nhà lại đang có hai khuynh hướng khá rõ nét và dễ nhận ra.
Nhưng cũng phải chờ nghe đến bài thứ ba “Buổi Trưa Em Về” của các em, rồi nghe đi nghe lại đến thuộc bài “Lệ Buồn Nhớ Mi” của nhạc sĩ Đăng Khánh, cá nhân chúng tôi mới dám nói lên suy nghĩ của mình, đúng hơn thì nói dùm cho cả mấy người bạn kia nữa.
-Nhạc phổ Thơ: Từ một bài thơ đẹp hoàn chỉnh, có cấu trúc gần giống như bên nhạc, đã tạo cảm xúc cho nhạc sĩ đưa phần nhạc của mình vào, và cố gắng giữ trọn vẹn bài thơ đến từng câu từng chữ.
Vậy cả ba bài “Hỏi Người Đi Suốt Kiếp, Hẹn Hò Với Chia Ly, và Buổi Trưa Em Về” đều thuộc loại này. Lợi điểm là an toàn về ca từ, các dấu trong tiếng Việt như Sắc,Huyền Hỏi, Ngã, Nặng được thể hiện rõ ràng như đọc, làm hài lòng nhà thơ. Còn nhược điểm là phải lệ thuộc, không phát triển theo ý nhạc độc lập của mình được.
-Thơ phổ Nhạc: Lấy ý từ một cuốn tiểu thuyết, một tập truyện dài, một bài tuỳ bút, từ nhiều bài thơ gom lại, từ một bài thơ quá dài, từ một bài thơ quá ngắn…Lợi điểm là được tự do phát triển nét nhạc một cách độc lập theo ý mình. Còn nhược điểm thì không thể biết được nhà văn hay nhà thơ hài lòng đến mức độ nào?
Nhờ đã có đọc và lưu giữ lại bài viết của nhà thơ Du Tử Lê đăng trên nhật báo Người Việt, tháng hai năm 2012, ghi tóm tắt từ một cuộc trao đổi giữa ông và nhạc sĩ Đăng Khánh với tựa đề: “Quan niệm của nhạc sĩ Đăng Khánh về thơ phổ nhạc”.
Và mới đây, nhờ mua thêm tập tùy bút “xương, thịt đời sau, máu rất buồn” cũng của nhà thơ Du Tử Lê, mà trong đó bài viết trên đã được bổ sung thêm khá nhiều chi tiết hữu ích, giá trị.
Nên dựa vào đó, chúng tôi đã dễ dàng hơn khi muốn nói đến bài thơ phổ nhạc “Lệ Buồn Nhớ Mi” của nhạc sĩ Đăng Khánh, hiện đang được phát trên trang nhà.
Vậy nếu chưa có tập tuỳ bút trên của nhà thơ Du Tử Lê, mà chỉ vừa nghe ca sĩ Tuấn Ngọc hát bài “Lệ Buồn Nhớ Mi” vừa xem bài thơ nguyên trạng “Mùa Thu và Thơ Mới ở Đường Baker, Costa Mesa, Cũ,” thì ta sẽ dễ bị rối mù, sẽ không biết khởi sự cũng như nối kết dòng ca tiếp tục từ chỗ nào?
Ta đã đợi em từ hạt bụi
Mai về nhớ lấy dấu chân xưa
Bàn chân nhớ đất còn khô nẻ
Môi nhớ tàn phai lệ nhớ mi
Bốn câu thơ trên cũng của nhà thơ Du Tử Lê, được nhạc sĩ Đăng Khánh ghép chung lại, và cộng thêm ý tưởng của ông để có ca từ mới cho bài “Lệ Buồn Nhớ Mi”, xin ghi xuống dưới đây để quý độc gỉa tiện đối chiếu (chữ nghiêng là của hai bài thơ ghép lại, chữ thẳng là của nhạc sĩ Đăng Khánh.).
Cành sương tháng chín
ký ức âm u
mưa mù tháng giêng
Hồn cây phong úa
đâu nắng hôm xưa
mưa buồn cuối trời
Dấu chân nghìn dặm
vàng sau lưng
vàng đôi môi
giữa quạnh hiu tôi cúi chào
giữa quạnh hiu tôi cúi chào
Trăm năm đã thẹn
biển sóng vực sâu
bầy chim thương tích
buồn khăn áo người
Trăm năm vẫn đợi
môi nhớ tàn phai
bàn chân nhớ đất
lệ buồn nhớ mi
Rừng mưa tháng chín
môi tóc em đâu
nỗi buồn sớm mai
Mùi hương đã chết
dấu tích năm xưa
môi lạnh tiếng cười
nhớ em
hạt bụi
đời hư vô
còn tương tư
hỏi sông núi cũ
giữa mùa thu em nhớ gì?
giữa mùa thu em nhớ gì?
Chúng tôi cố gắng trình bày đầy đủ những chi tiết trên hầu giúp quý độc giả khi có dịp nghe lại ca khúc “Lệ Buồn Nhớ Mi” sẽ được thưởng thức trọn vẹn hơn với một dòng ca trôi chảy liền mạch, và cũng để thấy đựợc bản lĩnh sáng tạo của người nhạc sĩ.
Lệ Buồn Nhớ Mi của nhạc sĩ Đăng Khánh được xếp vào loại Ca Khúc Nghệ Thuật mà chúng ta vẫn thường nghe giới thiệu trong các chương trình Nhạc Thính Phòng vậy.
Nguyễn Thiên Phụng