Tình ca Đăng Khánh – Trần Thị Hường sưu-tầm
Một tuần sau tết Giáp Tuất, cuối mùa đông, nhưng trời Houston có nắng ấm, hơn hai trăm thân hữu và anh em văn nghệ nhiều nơi về dự đêm ra mắt tuyển tập nhạc “Tình ca Đăng Khánh”, tối thứ sáu 18-02, nơi tư gia bác sĩ nha khoa Nguyễn Nhật Thăng. Tối hôm sau, khoảng 600 người đã có mặt tại vũ trường Ritz trong một chương trình văn nghệ đặc biệt với Ý Lan – Vũ Khanh để giới thiệu lần đầu tiên băng CD “Em ngủ trong một mùa đông” (Tình ca Đăng Khánh) do Đăng Khánh thực hiện và Diễm Xưa phát hành.
Hai đêm sinh hoạt văn nghệ trên đã “trình làng” một tên tuổi mới, nhạc sĩ Đăng Khánh Nguyễn Nhật Thăng, một người chẳng xa lạ gì qua các hoạt động văn hóa ở Houston và cũng là một người trong nhóm vài anh em nòng cốt tổ chức các buổi họp mặt cựu học sinh Chu Văn An – Bưởi hàng năm ở Houston.
Là cựu học sinh Chu Văn An, tốt nghiệp Đại học Khoa học và Nha khoa ở Sài Gòn và Hoa Kỳ, Đăng Khánh đã theo học nhạc với nhạc sĩ Hoàng Bửu (1964) và linh mục Tiến Dũng (1966). Anh khởi sự viết nhạc từ năm 1966 khi còn ngồi trong giảng đường của trường Đại học Khoa học.
“Tình ca Đăng Khánh” là tuyển tập nhạc đầu tay của anh được xuất bản và như lời Kiều Chinh trong đêm ra mắt tuyển tập trên ở Houston, “Thăng mang thai đứa con tinh thần 26 năm”.
“Tình ca Đăng Khánh” gồm 10 sáng tác của Đăng Khánh trong đó có hai bài phổ nhạc thơ Du Tử Lê, K khúc của Lê và Em ngủ trong một mùa đông….
Trung tâm Băng nhạc Diễm Xưa, Đăng Khánh thực hiện và được trình bày bởi bốn ca sĩ trẻ hàng đầu của làng ca nhạc Việt ở hải ngoại hiện nay: Ý Lan – Vũ Khanh – Tuấn Ngọc và Thái Hiền.
Như Bs. Nguyễn Văn Bích, người anh em cột chèo với Đăng Khánh và cũng là một trưởng ban văn nghệ của nhóm cựu học sinh Chu Văn An Houston, giới thiệu trong đêm ra mắt tuyển tập “Tình Ca Đăng Khánh”, những anh em văn nghệ có liên hệ với Đăng Khánh trong các sinh hoạt văn hóa và trong việc thực hiện tập nhạc trên từ khắp nơi đã về họp mặt ở Houston. Người ta thấy ở California sang có nhà văn Mai Thảo, nữ tài tử Kiều Chinh, Nhạc sĩ Trần Duy Đức, nhà thơ Du Tử Lê, từ Hoa Thịnh Đốn xuống có họa sĩ Đình Cường với tác phẩm sơn dầu Nhật Nguyệt dùng làm bìa cho tập nhạc và từ New Orleans sang có họa sĩ Mùi Quý Bồng. Tranh của Đình Cường và Mùi Quý Bồng là những phụ bản trong tập nhạc của Đăng Khánh. Ngoài ra còn có sự hiện diện của Bà Thái Xuân, giám đốc hãng băng nhạc Diễm Xưa cùng các ca sĩ Vũ Khanh, Ý Lan, Tuấn Cường, Nghiêm Phú phát hành nhân dịp ghé qua Houston cũng tới góp vui với anh em.
Các bằng hữu văn nghệ và hai huynh trưởng, một trong trường Chu Văn An trước đây, ông Nguyễn Gia Thụy ở Houston và một trong nghề nghiệp nha khoa, cựu trung tá nha sĩ Lâm Ngọc Châu từ Alabana tới, đã cùng lên tiếng bày tỏ cảm tưởng của mình đối với người bạn trẻ văn nghệ Đăng Khánh trong dịp ra mắt đứa con tinh thần đầu tay của anh.
Nhà văn Mai Thảo đã nói về tấm lòng thiết tha với âm nhạc của Đăng Khánh. Như Mai Thảo viết trong lời bạt của tập nhạc về cõi nhạc Đăng Khánh: “Chỉ thấy nhạc và người như một thể hiện tự nhiên và một bổ túc tuyệt đẹp cho nhau. Cho cao thêm một bầu trời, xanh thêm một cánh rừng, trong thêm một dòng suối. Nhạc và người là một”. Kiều Chinh nói, chị thích mấy chữ “xanh thêm một cánh rừng” của anh Mai Thảo và nghe băng CD những bài tình ca của Đăng Khánh, ngạc nhiên thích thú.
Ca sĩ Duy Trác, một cư dân của Houston, như anh tự giới thiệu, đề cập tới những thân tình của anh với cặp vợ chồng người bạn văn nghệ mới Thăng-Hòa cho hay, anh đã ngạc nhiên khi thấy anh em văn nghệ khắp nơi đón tiếp nồng nhiệt bài ca Đăng Khánh phổ nhạc Tử Lê, K khúc của Lê do anh trình bày trong băng nhạc đầu tiên của anh ở hải ngoại sau khi tới Houston các đây hai năm. Duy Trác cho biết từ đó Thăng có ý định thực hiện CD với những bài tình ca của mình.
Một người bạn lớn tuổi của Đăng Khánh, bác sĩ Nguyễn Văn Thuận, qua bút hiệu Từ Nguyên, cũng đã viết về ý định trên của Đăng Khánh: “Tháng giêng 1992, Anh Ngọc hát Tiễn em chiều mưa trong băng “Quê hương tình yêu”. Năm 1993, Duy Trác hát một nhạc khúc khác của Thăng, K. khúc của Lê trong “Còn tiếng hát gởi người”. Khi Thăng phổ xong K. khúc của Lê (thơ Du Tử Lê), anh mới biết có ít nhất hai người, cùng trong một thời, đã phổ nhạc bài thơ dễ thương này. Anh có ý cất bài hát này vào hộc tủ. Nhưng khi Trác hát thử cho Thăng nghe, cả hai đều thích. K. khúc của Lê đưa lại cho Thăng niềm hứng khởi, và sự an tâm. Anh nuôi dự tính thực hiện một đĩa nhạc cho riêng anh”.
Hai bằng hữu văn nghệ khác của Đăng Khánh cùng một mái trường Chu Văn An xưa, nhà thơ Du Tử Lê và nhà báo Trọng Kim cũng đã đưa ra những cảm nhận của mình. Du Tử Lê nhắc tới cái duyên của Đăng Khánh với âm nhạc và niềm im lặng thinh không trong đời Đăng Khánh. Nói theo kiểu cách của Du Tử Lê ở-chốn-nhân-gian-không-thể-hiểu thì “nếu có những gặp gỡ cung bực như, một tao ngộ tình cờ, dễ dãi thì; cũng có những trân trọng, thiêng liêng, chọn ở với âm giai như chọn ở với định mệnh, một đời.”
Nhà báo Trọng Kim đã nói về những đóng góp của những người bạn Nguyễn Nhật Thăng trong nhiều năm qua ở Houston để đem lại những sinh hoạt văn nghệ chọn lọc và có trình độ cao. Đặc biệt nhất là những buổi trình diễn nhạc thính phòng do anh và hai anh em nhạc sĩ Trịnh Lê Trung, Trịnh Dương Minh tổ chức với ban nhạc thính phòng của trường Suối Nhạc. Đó là các chương trình nhạc “Hòa tấu mùa xuân” khởi sự từ năm 1989, 90 với Mai Hương, năm 1991 với Mai Hương, Anh Ngọc, năm 1992 với ban Tiếng Hát Tâm Tình gồm Mai Hương, Quỳnh Giao, Kim Tước, Hà Thanh và Anh Ngọc. Năm ngoái 1993 chỉ có chương trình nhạc thính phòng.
Trọng Kim nói, sự đóng góp của Nguyễn Nhật Thăng trong quá khứ như một người yêu văn nghệ, yểm trợ tối đa cho anh em văn nghệ ở khắp nơi, nhất là khi về Houston trình diễn, sự đóng góp của một “mạnh thường quân” văn hóa. Nhưng từ năm nay, sẽ là sự đóng góp trong lãnh vực sáng tác của nhạc sĩ Đăng Khánh trong sinh hoạt văn nghệ ở hải ngoại.
Đứng về phương diện chuyên môn, nhạc sĩ Phạm Duy, từ thị trấn Giữa Đàng (Midway City) ở California đã viết về “Tình ca Đăng Khánh” như sau trong phần giới thiệu tuyển tập nhạc trên:
“… Thế rồi tôi được nghe một số bản nhạc tình của Đăng Khánh do Duy Cường hòa âm và nhận được tập nhạc Tình ca của tác giả. Đây là những bản nhạc tình rất hợp với tâm trạng của tôi lúc này. Đăng Khánh đưa tôi về dĩ vãng, cùng tôi ngắt một Cánh hoa xưa… với vòng tay cũ đã xa muôn trùng. Tôi được cùng Đăng Khánh nghe một Cung đàn xưa: Rượu đắng cho tình say ôi tuyệt vời – Nhạc buồn ghi dấu xưa rồi thế thôi… Và để Yêu dáng em xưa… trong những chiều buồn phố xưa – Nhớ nụ cười dưới mưa… Đăng Khánh giúp chúng ta gọi hồn dĩ vãng vì khi nói tới chuyện Đến em chiều qua thì “chiều qua” là buổi chiều của hai mươi năm về trước, nơi hẹn là một giảng đường trong khuôn viên đại học ở Sài Gòn.
Về nhạc, tôi nghe ra những cung điệu buồn rầu nhưng sang trọng của thời Chopin yêu một công chúa hay một nhà văn nữ nào đó. Bản Cung đàn xưa có một giai điệu giản dị nhưng rất dễ cảm (sensible). Lối chuyển âm (progression harmonique) rất đẹp làm cho con tim người nghe phải rung động theo tác giả. Nhưng tôi muốn quên đi những cái gọi là nhạc lý để nghe ra hồn nhạc của Đăng Khánh một cách rất trinh trắng, nhất là những bài do giọng hát đắm say của Tuấn Ngọc diễn tả. Bài Yêu dáng em xưa cho tôi thấy sự thương nhớ xôn xao, bài Cánh hoa xưa cho tôi thấy sự nuối tiếc da diết, bài Cung đàn xưa cho tôi thấy sự đam mê kéo dài…
Với sự níu kéo dĩ vãng một cách tuyệt vời, những bản tình ca của Đăng Khánh có khả năng an ủi, vỗ về, nâng cao tình cảm con người, nhất là con người Việt Nam trong giai đoạn cuối của cuộc sống tao loạn.”
Hỏi tại sao trong “Tình ca Đăng Khánh” anh chỉ phổ thơ Du Tử Lê, Đăng Khánh cho biết: “Sự gặp gỡ giữa Du Tử Lê và Đăng Khánh là một tao ngộ rất tình cờ. Tôi vẫn còn nhớ lần đầu 1991 ngồi với nhau buổi tối hôm đó ở nhà Trọng Kim, anh Trọng Kim lôi ra tờ báo Ngày Nay cũ đã vàng màu giấy, trong có bài thơ Khúc K riêng chàng, 1981. Tôi yêu thơ tình của Lê ngay từ những ngày đầu của tình yêu đôi lứa, những vì cũng ít có thời giờ viết nhạc nên cũng không để ý đến việc phổ nhạc thơ người. Nhưng hôm đó, ngồi trước tác giả bài thơ, nhìn ánh mắt sắc sảo đầy hồn tính của nhà thơ, tự nhiên bài Khúc K riêng chàng trở thành một gắn bó tức thì giữa Lê và tôi và sau đó bài Khúc K riêng chàng thành ca khúc…
Trọng Kim