Du Tử Lê
Từ nhiều chục năm qua, đã có khá nhiều những nhân vật tên tuổi trong văn giới viết, nói về cõi giới âm nhạc Ðăng Khánh. Nhưng, có dễ chưa một ai nói về tố chất thi sĩ hay, sự giầu có thi tính trong ca từ của người nhạc sĩ tài hoa này.
|
Nhạc sĩ Ðăng Khánh |
Trước khi vào sâu trong chủ tâm soi rọi tính chất thi ca trong nhạc Ðăng Khánh, tôi thiển nghĩ, chúng ta cũng đừng quên rằng trong khi thực tế, ca từ của nền tân nhạc Việt Nam chiếm giữ từ 50% tới 70% giá trị của một ca khúc. Nếu không muốn nói ở một vài trường hợp, tỷ lệ này còn cao hơn nữa.
Chính vì thế, trong quá khứ, trả lời một cuộc phỏng vấn của chúng tôi ở Saigon, nhạc sĩ Cung Tiến cho biết, theo ông, âm nhạc Việt chỉ có ca khúc. Các nhạc sĩ của chúng ta là những người viết ca khúc chứ không phải là những nhạc sĩ hiểu theo nghĩa là những người viết nhạc không lời.
Vì vai trò của ca từ quyết định phần lớn định mệnh một ca khúc, nên dường như không ai ngạc nhiên, khi rất nhiều nhạc sĩ của chúng ta (ngay tự thuở bình minh của nền tân nhạc), đã tìm đến với thơ. Rất nhiều bài thơ, sau khi được soạn thành ca khúc, đã góp phần không nhỏ trong sự nghiệp một nhạc sĩ.
Lại nữa, sự gần cận giống như hình với bóng giữa thi ca và âm nhạc, nên rất nhiều ca khúc do chính các nhạc sĩ viết ca từ, cũng chứa chất những hình ảnh, ngôn từ (cách nói) thuộc lãnh vực thi ca.
Bất cứ ai trong chúng ta, cũng có thể tìm thấy những hình ảnh hay, cách nói mang tính thi ca trong nền tân nhạc Việt. Tuy nhiên, ở đây, vì phạm vi giới hạn của bài viết, chúng tôi chỉ xin đưa ra vài thí dụ từ một số ca khúc quen thuộc với nhiều người.
Thí dụ như đoạn mở đầu cả ca khúc “Xóm Ðêm,” Nhạc và lời của cố nhạc sĩ Phạm Ðình Chương, ông viết:
Ðường về canh thâu.
Ðêm khuya ngõ sâu như không mầu,
qua phên vênh có bao mái đầu
hắt hiu vàng ánh điện câu.
Tính tự “vênh” trong câu hát thứ ba của ca khúc này, là ngôn ngữ (hay cách nói) của thi ca. Chưa kể chỉ với 6 chữ “hắt hiu vàng ánh điện câu,” họ Phạm đã cực tả được nét đặc thù của xóm nghèo. Cá nhân, tôi cũng chưa thấy nhạc sĩ nào đem được vào trong nhạc của họ hình ảnh những sợi dây điện chằng chịt “câu” từ nhà này qua nhà khác…
Cũng vậy, Phạm Duy với ca khúc “Tìm Nhau,” sáng tác từ năm 1957 (?)có đoạn:
Tìm nhau trong thống khổ
Tìm nghe câu than thở
Tìm nhau như góa phụ tìm mộ bia.
Với tôi, liên tưởng từ “góa phụ” tới “mộ bia” là một liên tưởng đậm đặc tính thi ca.
Tuy nhiên, số nhạc sĩ xuất thân từ thế giới thi ca, trước khi trở thành nhạc sĩ, chúng ta có thể đếm được trên đầu ngón tay.
Tôi muốn nhắc tới trường hợp của nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Ðình Toàn, nhà thơ, nhạc sĩ Trần Dạ Từ… Và hôm nay, tôi thấy có thêm nhạc sĩ Ðăng Khánh.
Như tôi biết, trước khi viết nhạc, Ðăng Khánh đã làm thơ (không nhiều). Những năm tháng ở Saigon, khi còn là sinh viên, ông đã tự phổ nhạc một bài thơ của mình.
Do đấy, tôi không ngạc nhiên khi thấy được sự giầu có thi tính trong ca từ của Ðăng Khánh. Giầu có vừa kể, cộng với giai điệu trau chuốt, lụa nuột với nhiều chuyển cung lấp lánh của Ðăng Khánh, là lý giải thích đáng nhất cho sự thành công của hầu hết ca khúc mang tên ông.
Ðiển hình, tôi rất thích những câu thơ (hoặc như thơ) của Ðăng Khánh trong ca khúc “Saigon Buồn Cho Riêng Ai,” như, “Chân ai về phố cũ, giọt buồn rớt trên môi.”
Hoặc, “Ðời cuối nắng, lên mù tương tư,” trong ca khúc “Ðêm Trăng Khuya.”
Vẫn ở phần ca từ của “Ðêm Trăng Khuya,” tôi thấy mình như bị ném vào giữa tâm bão của hai câu, “Giọt nước mắt nay vắng xa / chiều đã khuất ta với ta”
Thoạt đọc (hay nghe) chúng ta có thể thấy nó cũng bình thường. Không ghê gớm gì! Nhưng, nếu lắng tâm, ta sẽ nhận ra sự tương tác hữu cơ giữa “nước mắt” đã xa và buổi “chiều đã khuất” – Khiến tác giả không chỉ đối mặt với cô đơn tự thân mà, còn là chân trời cô đơn, trước mặt. Ðó là độ sâu dưới mặt sông, phẳng lặng.
Qua tới “Biển Sầu Mênh Mông” nhạc sĩ Ðăng Khánh lại cho tôi cảm tưởng, ông sử dụng khá nhuần nhuyễn kỹ thuật liên tưởng (một trong ba chìa khóa căn bản của thi ca,) khi viết, “Bão trong lòng gió âm thầm / Rất hoang đường / Giữa một biển sầu mênh mông.”
Và, trước ba câu thơ này là hai câu, “Tôi thấy em trong bóng đêm / Tôi nhớ em trong đáy sâu.”
Với tôi, đó là những câu thơ có tính tương liên, duyên khởi giữa hình ảnh thực tại và, tâm cảm trừu tượng.
Nhưng tố chất thi sĩ hay, sự giầu có thi tính trong ca từ của người nhạc sĩ tài hoa này, biểu hiện một cách trọn vẹn hơn, từ chữ thứ nhất đến chữ cuối cùng của toàn bộ ca “Hạt mưa bay cuối đời” – Tới mức, vẫn theo tôi, nếu tách phần ca từ ra khỏi những khuôn nhạc thì, đó là một bài thơ hay. Một bài thơ chịu được sự đọc lại. Thí dụ:
“Từ trong tôi / thịt da tôi / thời gian trôi / giọt sương khuya yêu thương tuyệt với / máu tôi từ em đưa tới / này em ơi / từ trong tôi / kìa tôi ơi / nụ hôn xưa đau thương một đời / máu em chung trong tim tôi.”
Hoặc:
“Cho một đời thiết tha / cho cuộc tình xót xa / cho hình hài thoáng qua / cho quên đời người / đi rồi về cũng qua / nghiêng một chiều rất xa / chưa chào đời đã qua cuối nắng mưa xa…”
Ở đây, khoảng cách giữa chủ thể và khách thể, giữa ta và người, giữa hình hài và máu, thịt đã được san bằng. Chúng không còn nhị nguyên. Chúng thành Một.
Ðó là thơ Ðăng Khánh. Bản ngã thứ hai của nhạc sĩ Ðăng Khánh.
Tôi muốn được gọi ông là “Thi-sĩ-Nhạc-sĩ.”
Và, tôi nghĩ, nền tân nhạc của chúng ta, không có nhiều lắm, những Thi-sĩ-Nhạc-sĩ. Như thế.