Có những câu chuyện thần-thoại ngỡ rằng thần-thoại, thế mà lại hiện-thực hoàn-toàn. Lớp vỏ huyền-hoặc bên ngoài kỳ-thực chỉ là một cách ví-von, còn bên trong vẫn chứa đựng những sự thực trần-trụi, thậm-chí phũ-phàng.
Một trong những câu chuyện ấy là chuyện Từ Thức. Nghe nói ngày xưa chàng Từ Thức lên chơi cõi tiên, vừa hết một năm đã nhớ nhà dưới hạ-giới xin về. Người vợ tiên cản mãi không được, đành giao cho chàng cầm theo một chiếc hộp buộc dải lụa xanh, dặn kỹ rằng xin đừng mở ra dù có bất-cứ chuyện gì xảy đến đi chăng nữa. Nào ngờ về tới cố-hương, mới hay, ba trăm sáu mươi lăm đêm ngà-ngọc trên nhà Trời, cũng chính là ba thế-kỷ rưỡi trên mặt đất. Người xưa cảnh cũ, còn đâu nữa mà tìm? Từ Thức đang ngơ-ngác, thì bất-giác vô-tình, năm ngón tay đã tháo dải lụa xanh tự lúc nào chẳng rõ. Nắp hộp vừa hé, từ bên trong một lượn khói bay ra, phả lên mặt, lên tay, lên chân chàng cả một khối thời-gian khủng-khiếp hằng bấy lâu nàng tiên vợ chàng đã khoá kín cho nhau. Từ Thức đột-ngột hóa thành một nhúm bụi, hơi thở cuối cùng trở nên một làn gió, cuốn về vĩnh-cửu vô-biên.
Quý-vị có biết không, nền tân-nhạc Việt-Nam tự-do của chúng ta cũng thế! Đã ba mươi bảy năm qua, chúng ta nâng-niu gìn giữ khu vườn ấy trên chốn Thiên-Thai này. Nhưng xét về khoảng-cách tâm-lý giữa những người trên trời xanh và những người dưới đất đỏ, ba mươi bảy năm ấy vô-hình-trung chẳng khác gì ngót bốn năm thế-kỷ. Giới trẻ ngày nay nhìn khu vườn ấy, chỉ thấy một vùng di-tích hoang-liêu, nét huy-hoàng càng lộng-lẫy dưới hoàng-hôn, nhưng từ cõi thọ bên kia, màn đêm đang dần-dà tiến lại.
Con chim banh ngực phơi tim, phổi
Mang núi, sông vào sâu tháng, năm
Mai sau: gỗ đá còn vang, dội
Tiếng hát thơm, từ một đoá tâm. (Du Tử Lê)
Nhà thơ này của chúng ta đã cảm-nhận điều ấy nhiều hơn ai hết thảy. Ông đang ngồi đây, và Trần Thu-Hà sẽ mang những lời thơ cô-đọng nhất của ông đến với nhau trong những phút cuối của chương-trình. Ông đã từng bộc-bạch: «Mọi điều đang biến mất, ngay chúng ta, và tình yêu tưởng chừng bất-tử. Nhân-loại đang biến mất, dù những con vật hai chân hiện-diện trên địa-cầu đã vượt qua con số 6 tỷ. Thiên-nhiên đang biến mất, núi non, biển cả, rừng cây, ngay màu xanh chúng ta đang thấy, cũng chỉ là ảo-tưởng, bởi chúng ta đã rủ nhau vứt bỏ linh-hồn như hàng ngày cơ-thể này sa-thải bao nhiêu cặn bã.» Mà thật chẳng có gì đáng buồn hơn lúc tất cả những ngôi nhà ta ở đã không thể giữ được cho nó một dấu vết nào dành tặng lại ta ngày trở lại; những chiếc giường đã cam đành tái-tạo, những chiếc xe đã cam đành nghĩa-địa, ngay những quyển sách cũng trở thành kém duyên, làm phiền thùng rác. Thật chẳng có gì đáng buồn hơn lúc ta về ngang những gốc cây, mái nhà, bậc thềm, hàng hiên, cánh cửa, chẳng giữ lại được điều gì đề nói với ta về tháng ngày qua, cách gì cũng vẫn là nơi chốn một thời chúng ta đã sống. Nhưng có dễ điều đáng buồn hơn cả khi chính ta lại vượt xa thời-gian trong nỗ-lực tái-tạo tẩy xoá chính mình. Mừng chăng tôi, tái-tạo tẩy xoá mình nhậm lẹ hơn cái giường, chiếc xe, quyển sách, con đường, gốc cây, mái nhà, bậc thềm, hàng hiên, cánh cửa?
Không! Trăm nghìn lần không! Muôn vạn lần không! Ai đã mua vé đến đây ngồi, tất không bao giờ chịu được điều đó.
Chúng tôi đã cố gắng mang về đây cho quý-vị những kỳ-hoa dị-thảo trong khu vườn thượng-uyển xa xưa, vẫn còn long-lanh nắng trong tâm-khảm của tất cả những ai ngồi đây. Diễm-ảo như Ngô Thụy-Miên, não-nuột như Vũ Thành-An, da-diết như Phạm Duy, bay bướm như Đoàn-Chuẩn, trăn-trở như Từ Công-Phụng, mẫu-mực như Phạm Đình-Chương, gợi nhớ như Nguyễn Trung-Cang, quê-hương như Anh-Bằng, thực-thà như Trường-Sa, lăn lộn với đời như Trần Thiện-Thanh, sống chết với nghề như Y-Vân, thủ-thỉ tâm-tình như Trịnh Nam-Sơn, chia bùi xẻ ngọt như Lam-Phương, nắn-nót từng phím đàn như Nguyễn Ánh 9. Thà một bài như Nguyễn Văn-Tý mà vẫn để lại Dư-Âm, cần chi nghìn khúc như Phạm Duy mới đủ để Hẹn-Hò kia chứ? Lại có cả những người suốt đời tìm-tòi như Nguyễn Văn-Quỳ, viết giao-hưởng từ thế-hệ Nguyễn Xuân-Khoát, cho đến Đăng-Khánh, vẫn không ngừng bắc cầu giữa học-thuật với đời thường. Lời thơ cũng rất đa-dạng: Xuân-Diệu chỉ cần nửa câu «Yêu Là Chết Ở Trong Lòng» cũng đủ làm nên muôn thưở, và Thanh-Tâm-Tuyền cũng chỉ cần năm chữ “Đôi Khi Anh Muốn Tin” là đã khiến cả bao nhiêu con người mẫn-cảm suốt miền thế-kỷ phải Nửa Hồn Thương Đau. Chúng ta vẫn sẽ còn nghe đồng vọng đó đây những Lưu Trọng-Lư, Phan Thành-Tài, Nguyễn Hữu-Nghĩa, Cung Trầm-Tưởng. Trong những sáng-tác âm-thầm song vẫn đến được với khán-giả ngày nay, chúng ta không thể quên Nguyên-Bích và Tha-Phương.
Trước khi đi vào chương-trình, mời quý-vị đọc lại hai bài thơ của Nguyễn Du, vì nào có ngờ đâu, lúc đổi đời năm xưa, nhà thơ ấy, cũng như Du Tử Lê ngày nay, đã bắt gặp rất nhiều xót-xa dâu biển.
Rừng Sở lá vàng rơi lác-đác
Một đêm thao-thức đầu thêm bạc
Nửa cõi thiên-thu khách dợm buồn
Già theo cơn gió ngoài sa-mạc
Ðầu cành lẻ bạn ve xao-xác
Trời đất kim-thanh lên điệu nhạc
Cuối bến nhân-gian khách đứng chờ
Chợt nghe xào-xạc lời tan-tác
(Nguyễn Du)
Khi lời thơ đến mức thượng-thừa, có nhiều khi nhất-thời chưa dễ-dàng lĩnh-hội. Vì thế, trước khi Trần Thu-Hà hát Lệ Buồn Nhớ Mi, chúng ta hãy đắm mình nhập cuộc trăm năm cùng hình-ảnh «cành xương tháng Chín, mưa mù tháng Giêng» qua bài thơ cũ-kỹ sau đây:
Cánh lá nào rơi giữa phố phường,
Chập-chờn trước mặt kẻ ly-hương?
Nửa đời mưa nắng chưa tan thịt,
Một tối mù-sa đã rã xương.
Nhẹ lạ, mảnh hồn qua cõi chết!
Vàng thay, chiếc bóng của vầng dương!
Giòn tan lá vỡ chân người bước,
Nghìn cánh phiêu-linh khắp nẻo đường.
Thay mặt toàn-thể những người trên sân-khấu và sau hậu-trường đêm hôm nay.
TRẦN NHƯ VĨNH-LẠC cẩn-đề